Dấu hiệu không ngờ trẻ thiếu vitamin nghiêm trọng
Dấu hiệu không ngờ trẻ thiếu vitamin nghiêm trọng - các mẹ hãy lưu ý ngay để bổ sung kịp thời!
Vitamin cực kì cần thiết để hỗ trợ con hấp thu tốt và tăng trưởng toàn diện về thể chất, trí tuệ. Vì vậy, khi thiếu một loại vitamin nào đó, cơ thể bé sẽ "biểu tình" bằng những biểu hiện rất dễ dàng để nhận thấy. Mẹ hãy để ý xem con đang thiếu vitamin nào dưới đây nhé!
Ảnh minh họa
Vitamin B6
Thiếu vitamin B6, bé hay xuất hiện các triệu chứng quấy khóc đêm, người luôn nôn nóng, sốt ruột, ngủ chập chờn, giấc ngủ không sâu, buồn nôn, thậm chí bị chứng phong rút, bị động kinh.
Vitamin B6 có trong nhiều loại rau quả, ngũ cốc,... Tuy nhiên, khi chế biến lượng vitamin B6 thường khó giữ được. Thậm chí ngay cả hoa quả đông lạnh cũng bị giảm khoảng 15% lượng vitamin B6 so với hoa quả tươi. Vì vậy, mẹ có thể cho bé ăn thêm hoa quả tươi (chuối, dưa hấu,...), ăn ngũ cốc nguyên chất. Ngoài ra, mẹ chỉ nên nấu những thực phẩm giàu vitamin B6 cũng nhau. Lý do là vì khi nấu chung với những thực phẩm giàu axit khác như cam, cà chua,... hàm lượng vitamin B6 sẽ bị mất đi phần lớn.
Vitamin B12
Biểu hiện ở bé bị thiếu vitamin B12 là sắc mặt trắng bệch, lông tóc hơi vàng, thần kinh không phấn chấn, không muốn ăn, nôn mửa, tiêu chảy... Khi đó cần cho bé uống vitamin B12 ngay theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vitamin D
Dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D: đổ mồ hôi đầu, ngủ không ngon giấc, ngủ hay giật mình, hay quấy khóc, gắt gỏng, chậm biết đi, chậm mọc răng, tóc rụng hình vành khăn,…
Thực phẩm nhiều vitamin D cho trẻ: cá và dầu gan cá (đặc biệt là cá ngừ, cá hồi), sữa và các sản phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng,… Bên cạnh đó, cho trẻ tắm nắng buổi sớm cũng là cách bổ sung vitmin D cực hiệu quả.
Chất xơ
Dấu hiệu trẻ thiếu chất xơ: biểu hiện rõ nhất là trẻ táo bón, đi cầu không thường xuyên. Ngoài ra, trẻ có thể rất nhanh đói, thừa cân nhưng hoạt động yếu ớt,…
Trẻ em là đối tượng rất hay bị táo bón do cơ thể thiếu chất xơ. Tình trạng ăn nhiều đồ chế biến, đóng gói sẵn, thức ăn nhanh hiện nay cũng khiến việc trẻ thiếu chất xơ càng trở nên phổ biến. Thực phẩm nhiều chất xơ cho trẻ: rau và hoa quả tươi, các món ăn thuộc họ đậu,…
Vitamin K
Tất cả các trường hợp bị chảy máu (chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu ở da, niêm mạc...) ở trẻ cần phải nghĩ ngay tới thiếu vitamin K. Ngoài ra, khi thấy trẻ bỏ bú, quấy khóc, khóc thét, co giật... nhất là trẻ ở lứa tuổi từ sơ sinh đến 2 tháng tuổi thì mẹ cần đặc biệt lưu ý nguy cơ xuất huyết não mà một trong những căn nguyên hay gặp là do thiếu vitamin K.
Thiếu vitamin K thường xảy ra ở bé sơ sinh (vào khoảng 3 - 5 ngày sau sinh) vì lúc này vi khuẩn đường ruột chưa tổng hợp đủ vitamin K. Nếu thiếu hay không hấp thu được vitamin K ở ruột sẽ làm giảm prothrombin máu và giảm sự tổng hợp proconvertin ở gan.
Thông thường, thai phụ sẽ được uống hoặc tiêm vitamin K trước khi sinh và cho trẻ uống hay tiêm vitamin K ngay sau khi sinh. Đó là cách tốt nhất phòng thiếu vitamin K ở trẻ.
Việc bổ sung vitamin cho bé là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy bé có các biểu hiện thiếu vitamin như đã nêu cần đưa trẻ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Mẹ tuyệt đối không được tự ý cho con uống vitamin vì việc này có thể gây ngộ độc cho con. Nên nhớ rằng, ngay cả khi thừa vitamin thì cũng rất không có lợi cho trẻ.
Theo Khỏe và Đẹp
Bài viết liên quan: