Ngừa khô da cho bé, né được nhiều bệnh
Vào mùa thu đông, không khí lạnh, khô, lấy mất các thành phần nuôi dưỡng da tự nhiên của bé, khiến da bé khô, nẻ. Hiện tượng này tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bé, để lâu có thể gây nên các chứng bệnh khác cho da. Vậy phải làm gì để bé không bị khô da?
Vào mùa thu đông, không khí lạnh, khô, lấy mất các thành phần nuôi dưỡng da tự nhiên của bé, khiến da bé khô, nẻ. Hiện tượng này tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bé, để lâu có thể gây nên các chứng bệnh khác cho da. Vậy phải làm gì để da bé không bị khô?
Tại sao da bé bị khô?
Hàng ngày, cơ thể luôn có sự mất nước từ bên trong qua da. Khi thời tiết khô hanh, sự mất nước này lại càng tăng mạnh dẫn đến hiện tượng da khô ráp, dễ bị nứt nẻ, nhất là đối với trẻ nhỏ. Trời càng lạnh thì da càng khô hơn. Đây là do hiện tượng tăng mất nước qua thượng bì khi trời lạnh. Do da trẻ chưa có lớp bã nhờn và sự đàn hồi da còn kém bởi hệ thống sợi collagen non nớt nên khả năng chống chọi với mọi tác hại cũng thấp hơn nhiều lần so với người lớn. Chính các đặc điểm trên làm cho da bé dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Các bé sẽ nhanh chóng bị khô da và môi ngay khi trời chuyển lạnh. Riêng đối với các bé sơ sinh, dùng tã trong mùa lạnh thường có hiện tượng hăm tã.
Khi da khô, môi nứt nẻ, thậm chí rỉ máu, bé sẽ đau đớn và khó chịu, điều này làm bé giảm bú vì khó bú. Nếu không chăm sóc kỹ, vết nứt sẽ lâu lành và bé có thể bị sụt cân. Không riêng gì môi, những bé đang dùng tã, trong thời tiết khô hanh rất dễ bị hăm tã. Vết hăm có thể ăn sâu vào da khiến bé luôn bứt rứt và không ngủ ngon được.
Cần cho bé uống đủ nước để phòng tránh khô da.
Phòng ngừa và chăm sóc đúng cách
Cung cấp đủ nước cho da: Da cũng như cơ thể bé cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Hàng ngày nên cho trẻ ăn, uống nhiều hoa quả, nước quả tươi, rau xanh và uống nhiều nước để cung cấp đủ lượng nước cho da, da sẽ đỡ bị khô. Khi trời lạnh, nhu cầu nước cho cơ thể vẫn rất cao do vậy vẫn phải cho bé uống nước đều đặn. Vào những ngày trời hanh khô cần cho bé uống nhiều nước hơn. Ngày 2-3 lần lấy khăn thấm nước ẩm ủ lên mặt cho bé chừng 1-2 phút để da bớt bị khô và căng.
Làm sạch da bé: Da của bé cần được làm sạch thường xuyên và hàng ngày nhưng cũng cần phải đúng cách. Sau khi cho bé ăn nên lau thức ăn, cặn sữa bám quanh miệng để giữ cho da bé luôn sạch sẽ. Thường xuyên dùng nước ấm lau rửa chân tay cho bé vì những vết bẩn để lâu sẽ khiến cho da bé bị khô và rát. Trong mùa lạnh, bé nên được lau bằng nước ấm, lau nhẹ nhàng không chà xát kỳ cọ mạnh lên vùng da bị khô nẻ, nhất là những nơi đã bị hăm, nứt nên được vệ sinh sạch sẽ, nhẹ nhàng. Nước tắm cho bé phải là nước ấm vừa phải, không nên tắm nước nóng hơn bình thường khiến da bé mất nước nhiều hơn.
Khi tắm cho bé không nên lạm dụng xà phòng, vì hoạt chất tẩy rửa của chúng càng tẩy mất chất nhờn trên da nhanh hơn, càng làm da thêm khô. Thời gian tắm cho bé cũng nên rút ngắn, không để bé ngâm nước lâu. Tắm cho bé xong, bạn lấy một chiếc khăn bông sạch, mềm lau khô da cho bé rồi vừa bôi kem dưỡng thể vừa mát-xa nhẹ nhàng cho bé.
Chọn kem dưỡng ẩm cho da thích hợp: Nhiều bé được dùng kem dưỡng da từ tuổi sơ sinh. Nếu bôi cho bé kem có chất lượng không tốt thì sẽ làm cho da của trẻ mọc nốt chàm, tróc da, ngứa ngáy, sưng tấy, đau rát. Bởi vậy, khi chọn kem dưỡng cho trẻ phải chọn dùng sản phẩm của hãng đã có uy tín, không chứa chất bảo quản, chất tạo màu, chất tạo mùi; không dùng hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc; không tự ý dùng thêm những loại thuốc bôi chống khô da để tránh gây dị ứng cho da trẻ.
Trời lạnh vẫn phải mặc đồ thông thoáng cho bé: Một điều rất lạ là bé vẫn có thể bị nổi mụn ban vào mùa đông. Có thể do bé mặc quá ấm hoặc bé ngồi lâu trong không gian chật hẹp, thiếu sự tuần hoàn không khí. Do vậy, bạn nên mặc cho bé quần áo bằng vải tự nhiên (cotton) thay cho vải tổng hợp. Vải tự nhiên giúp da dễ thở, ngăn ngừa đổ mồ hôi, vì thế hạn chế kích ứng da. Sử dụng nhiều lớp quần áo mỏng hơn là một lớp quần áo dày. Khi ở trong môi trường nóng ấm rồi thì nên cởi bớt quần áo ra để bé cảm thấy thoải mái, không toát mồ hôi. Luôn đội mũ cho bé khi ra ngoài trời.
Da khô, khi nào là dấu hiệu của bệnh?
Nếu bé ngứa ngáy, kèm theo những mảng đỏ trên da, có khả năng bé mắc phải chứng chàm bội nhiễm. Một số trường hợp, chứng bệnh này có thể chữa khỏi bằng các loại kem bôi thông thường (dưới sự chỉ định của bác sĩ).
Một số trường hợp làn da khô của bé có liên quan đến chứng vảy cá. Dấu hiệu thường thấy là da của bé bị khô, tróc vảy và có thể bị đỏ ửng. Những mảng da này có thể xuất hiện ở gan bàn chân, lòng bàn tay của bé.
Nếu da khô kèm theo các mảng đỏ, ngứa thì đó là dấu hiệu của bệnh eczema. Ngoài ra, bạn cũng nên nhanh chóng đưa bé đi khám, nếu vùng da khô của bé chảy dịch màu vàng, có dấu hiệu bị sưng...
Bác sỹ Hồng Hải (Theo Sức khỏe và Đời sống)
Bài viết liên quan: