Những lưu ý mẹ cần biết khi bé chậm lớn
Những đứa bé chậm lớn thường có khả năng tăng cân và phát triển kém hơn những em bé khác.
Từ ngày đón bé Bông ở bệnh viện về, chị Hòa (Hà Đông, Hà Nội) mừng rỡ lắm. Gia đình chị chuẩn bị cho bé đầy đủ đồ đạc, đồ chơi, chị cũng rất tự tin với số kinh nghiệm mà chị có được từ lần sinh nở đầu tiên. Thế nhưng sau vài ngày, chị lo lắng vô cùng khi thấy con biếng ăn, trong suốt 2 tuần đầu bé không lên cân mà thậm chí tụt cân. Đi khám, chị được biết bé thuộc diện chậm lớn.
Trong những năm tháng đầu tiên, trẻ em thường tăng cân và phát triển trí thông minh nhanh chóng. Đôi khi, có vài trường hợp trẻ không đạt tiêu chuẩn dự kiến như đã đề ra.
Một ngày bạn giật mình nhận ra con mình không cao lớn như chuẩn mà các chuyên gia dinh dưỡng đề ra. Bạn lo lắng và kết luận con bị chậm phát triển, bạn không nên quá lo lắng và có một kết luận sớm như vậy. Để đưa ra được kết quả chính xác thì bạn cần phải đưa bé tới bệnh viện để các bác sĩ thăm khám.
Để chẩn đoán và điều trị một đứa trẻ không phát triển hay còn gọi là bé chậm lớn, các bác sĩ sẽ phải tập trung vào việc xác định vấn đề tiềm ẩn liên quan tới cơ địa của bé.
Chậm phát triển, chậm lớn là một từ để mô tả tình trạng chứ không phải là một căn bệnh cụ thể. Những đứa trẻ không phát triển mạnh thường có khả năng tăng cân và phát triển kém hơn những em bé khác.
Những đứa bé chậm lớn thường có khả năng tăng cân và phát triển kém hơn những em bé khác (Ảnh minh họa)
Hầu hết các chẩn đoán về tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Bởi trong những năm đầu tiên của cuộc sống đó là giai đoạn quan trọng của sự phát triển thể chất và tinh thần. Sau khi sinh ra, não của một đứa trẻ phát triển nhiều trong năm đầu tiên, nếu trẻ hấp thụ dinh dưỡng kém thì điều này vô tình sẽ tác động tiêu cực về tâm sinh lý trong tương lai.
Hầu hết các bé tăng gấp đôi trọng lượng chỉ sau 4 tháng khi ra đời và tăng gấp ba lần trọng lượng đó khi bé được 1 tuổi. Những bé phát triển chậm sẽ không thể đáp ứng được những con số này.
Dấu hiệu bé chậm lớn
Ngoài cân nặng, dấu hiệu để nhận biết con không chịu lớn như sau:
Con thờ ơ với môi trường xung quanh, gọi không chú ý.
Con tránh nhìn trực diện vào người khác.
Bé luôn cáu kỉnh, khó chịu, khóc lóc.
Bé không đạt được các mốc phát triển như những trẻ bình thường khác về ngồi, bò, và nói chuyện.
Nguyên nhân
Yếu tố xã hội: Trong một số trường hợp, các bác sĩ không thể xác định được rõ nguyên nhân nhưng đa số là do các bà mẹ thiếu hiểu biết, bổ sung dinh dưỡng trong thai kỳ kém.
Ví dụ, trong quá trình mang thai và cho con bú, nhiều bà mẹ đã thực hiện chế độ ăn kiêng, dung nạp ít lượng calorie, con không thể nhận được chất béo đủ. Hoặc cha mẹ không quan tâm đến con, bỏ bê con, cuộc sống nghèo đói khiến dinh dưỡng trong con bị ảnh hưởng, còi xương, chậm lớn.
Liên quan tới bệnh tiêu hóa: Chúng bao gồm bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), tiêu chảy mãn tính, xơ nang, bệnh gan mãn tính và bệnh loét bao tử…
Bị GERD, thực quản của bé có thể bị kích thích, bé bị đau và không thể ăn được. Tiêu chảy kéo dài sẽ khiến các chất dinh dưỡng và năng lượng cơ thể bị hao tổn.
Nếu bị xơ nang, bệnh gan mãn tính, trẻ không thể hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng dù ăn rất nhiều.
Khi bé bị bệnh mãn tính: Một đứa trẻ có vấn đề như sinh non, sứt môi hoặc viêm vòm miệng, bé khó có thể ăn và hấp thụ dinh dưỡng như một bé hoàn toàn khỏe mạnh khác. Trong trường hợp này bé ăn ít sẽ càng yếu đi và ảnh hưởng tới sự phát triển của tim mạch, nội tiết tố và dễ bị rối loạn hô hấp.
Bé không thể dung nạp đạm sữa: Điều này có thể gây khó khăn với việc bé hấp thụ các chất dinh dưỡng. Việc không dung nạp được đạm sữa sẽ khiến bé phải ăn kiêng, thực đơn ăn kiêng bao giờ cũng khiến sức khỏe của trẻ không được phát triển toàn diện được.
Nhiễm trùng: nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao,…, sẽ khiến lượng dinh dưỡng trong cơ thể trẻ giảm đi nhanh chóng, mất đi cảm giác thèm ăn, ngon miệng.
Rối loạn tiêu hóa: quá trình này sẽ khiến bé kém ăn, lười ăn vì đau bụng, nôn mửa. Hiện tượng này khiến cơ thể bị hạn chế khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Bạn nên đưa bé tới viện nếu có những dấu hiệu trên (Ảnh minh họa)
Điều trị
Trẻ em chậm lớn cần sự giúp đỡ của cha mẹ và bác sĩ. Nếu trong 2 tháng liên tiếp con có dấu hiệu biếng ăn, chậm tăng cân, bạn cần đưa con tới bệnh viện. Các chuyên gia dinh dưỡng sẽ đánh giá nhu cầu ăn uống của trẻ.
Trong trường hợp thiếu dinh dưỡng, trẻ sẽ được điều trị thường xuyên tại nhà với sự theo dõi thăm khám của bác sĩ. Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên sử dụng thực phẩm gì, ăn lượng bao nhiêu cho bé là hợp lý.
Trường hợp nghiêm trọng hơn, các bác sĩ sẽ cho bé được truyền thức ăn qua ống chuyên dụng, đó là một cái ống được chạy từ mũi vào thẳng dạ dày. Thực phẩm dinh dưỡng dạng lỏng được cung cấp một cách đều đặn qua ống, và khi được nuôi dưỡng đầy đủ hơn, đứa trẻ sẽ cảm thấy cơ thể khỏe hơn và có thể sẽ bắt đầu ăn nhiều hơn trong thời gian sau.
Điều trị kéo dài bao lâu tùy vào cơ thể của từng bé. Dù rất muốn con tăng cân nhưng bạn cần hiểu rằng tăng cân cần phải có thời gian. Nếu bị chậm phát triển do một căn bệnh mãn tính hoặc rối loạn, có thể đứa trẻ đó phải được theo dõi định kỳ và điều trị lâu hơn.
Di truyền cũng đóng một vai trò lớn trong việc tăng cân, vì vậy nếu bạn và chồng của bạn thấp bé nhẹ cân, bé nhà bạn có thể sẽ nằm trong diện thấp bé.
Nếu bạn nhận thấy sự bất bình thường trong cân nặng của con, thấy con có dấu hiệu như ở trên, nếu con biếng ăn thì bạn nên gọi điện cho bác sĩ. Trẻ mới biết đi và trẻ lớn hơn có thể trong vài ngày biếng ăn song trẻ sơ sinh thì không, bé sẽ không tự dưng biếng ăn nếu không gặp vấn đề.
Theo Trí thức trẻ
Bài viết liên quan: