Mùa đông ấm bất thường, nhiều trẻ nhập viện vì được chăm sóc quá kỹ
Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai, Hà Nội), trong số trên 400 bệnh nhân đến khám mỗi ngày thì có đến 60% bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp. Chuyện trẻ 1 tháng đi khám vài ba lần vì viêm hô hấp, viêm phổi tái nhiễm rất phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân được các bác sĩ chỉ ra là do cha mẹ chăm sóc trẻ quá kỹ và quá tự tin.
Mệt vì rửa mũi, lau mồ hôi
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, thời điểm này, trẻ đến khám nhiều nhất là các bệnh lý hô hấp, trong đó nhóm trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản, ho rất nhiều.
Trong đó, có những trường hợp trẻ sơ sinh viêm phổi bởi sự chủ quan của cha mẹ. Thấy trẻ bỏ bú, lười bú thì hút sữa, bơm si-lanh cho trẻ ăn, đến khi tím tái, nhập viện thì đã viêm phổi nặng, phải vào thở máy rất nguy hiểm.
Như trường hợp một bé 2 tháng tuổi (Hà Nội) đang thở máy tại phòng Cấp cứu khoa Nhi. Dù mẹ là nhân viên y tế, đã chịu khó theo dõi, chăm sóc, từ lúc chỉ rửa mũi khi bé chỉ húng hắng ho, ngạt mũi, không sốt đến khi phải bơm si-lanh sữa mẹ vì bé bỏ bú... Vậy nhưng khi bé khó thở, có những cơn ho tím tái mặt, gia đình đưa vào khoa Nhi khám thì phổi đã tổn thương nặng, buộc thở máy sau 1 ngày nhập viện.
Đến 60% bệnh nhi đi khám vì bệnh lý hô hấp. Trong đó, viêm phổi rơi vào nhóm trẻ dưới 2 tuổi rất nhiều. Ảnh: H.Hải
Còn bé N.K.V (7 tháng tuổi, Linh Đàm, Hà Nội) lại nhập viện lần thứ 2 trong chưa đầy 1 tháng vì viêm họng, viêm phổi sau một đợt kháng sinh dài trước đó. Nguyên nhân là do sau dứt kháng sinh, bé vẫn ho dai dẳng hàng tuần, người lúc nào cũng mướt mồ hôi ở lưng, đầu. Dù mẹ và bà phải luân phiên thức để lau mồ hôi lưng cho con cháu nhưng nhiều khi chợp mắt xong, dậy sờ thì lưng bé đã lạnh toát.
Chị Vân Hà (Nam Đồng, Hà Nội) lại đưa con tới khám vì ho như cuốc kêu cả tháng trời nay. Dù chị đã cho con uống đủ loại siro, đông tây y kết hợp nhưng mũi dãi vẫn ầm ầm. Chỉ riêng việc rửa mũi, cho con uống thuốc cũng đến mệt. Bác sĩ cho biết, em bé ho vì có dòng mủ viêm từ mũi chảy xuống. Việc rửa mũi bằng muối chỉ sạch tạm thời, bác sĩ kê thuốc nhỏ mũi chống viêm tại chỗ vì xử lý được mũi viêm trẻ sẽ hết ho.
Mặc ấm cho trẻ hơn người lớn!
PGS Dũng cho biết, những trường hợp đến khám vì các bệnh ly hô hấp là phổ biến trong thời tiết này. Có những trẻ tháng nào cũng ốm, thậm chí tháng đi viện khám 3 - 4 lần. Bởi năm nay, mùa đông ấm bất thường, nhiệt độ không lạnh ổn định. Sáng sớm thì rét căm căm nhưng đến trưa nắng gay gắt như ngày hè, tối lại se lạnh. Trẻ em không kịp thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ, lại thêm trời dù nóng, bố mẹ vẫn mặc ấm cho trẻ, trong khi người lớn thì áo sơ mi.
“Việc ra mồ hôi của trẻ trong khi ngủ, một phần là do cơ địa, nhưng phần nhiều vì trẻ nóng. Thông thường khi mới ngủ, trẻ chỉ ra mồ hôi khoảng 15 phút đầu, sau đó nhiệt độ thích hợp sẽ giảm ra mồ hôi. Thực tế, thân nhiệt trẻ cao hơn người lớn, nhưng luôn được mặc ấm hơn người lớn khi đi ngủ. Tình trạng ra mồ hôi sẽ khiến thấm ngược vào cơ thể, gây lạnh, trẻ dễ bị viêm phổi”, TS Dũng nói.
Để phòng bệnh tốt nhất trong thời tiết này là điều chỉnh cách ăn mặc để cơ thể thích nghi được với sự thay đổi thời tiết. Buổi sáng đi học có thể mặc ấm cho con, nhưng nên mặc nhiều lớp áo, dễ cởi để khi đến trường trẻ nóng lên, chạy nhảy có thể dễ dàng cởi bỏ lớp áo bên ngoài.
Ở nhà, thấy trẻ dinh dính mồ hôi, nên mạnh dạn cởi bỏ áo ấm, mặc áo thu đông mỏng để trẻ không bị ra mồ hôi, thấm ngược vào cơ thể gây bệnh. Lau mồ hôi, thay áo khi áo ẩm do ngấm mồ hôi.
Cho trẻ ăn uống đầy đủ, phòng ở thoáng khí sạch sẽ, tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây.
Với trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh phải theo dõi sát diễn biến khi ho, sốt. Thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường nào như bỏ bú, quấy khó, ngủ li bì… cần đưa con đi khám để kịp thời phát hiện viêm phổi.
Theo dantri.com.vn
Bài viết liên quan: