Sơ cứu cho trẻ khi bị say nắng
Sau dịp nghỉ lễ, nắng nóng ngày càng lên cao đỉnh điểm. Trẻ em rất dễ bị say nắng. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải trang bị ngay cho mình những kiến thức cần thiết sơ cứu cho trẻ khỏi ốm. Bài viết sau sẽ cung cấp những kiến thức cần thiết cho mẹ nhé.
Say nắng thường do nạn nhân trực tiếp ở dưới ánh nắng mặt trời, bị ảnh hưởng của tia tử ngoại chiếu lên da. Phân biệt với Say nóng thường do tia hồng ngoại của sức nóng (hầm mỏ, lò lửa, nhà xe, nhà mái tôn, trên tàu xe chật chội, nóng bức…) tác động lên cơ thể kéo dài.
Mùa hè trẻ rất dễ bị say nắng
1.Những đối tượng nào dễ bị say nắng?
Khi bị nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ cho cơ thể như: dãn nỡ mạch máu để máu dồn nhiều tới da làm thoát nhiệt ra ngoài; tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi, mồ hôi bay hơi để hạ nhiệt cho cơ thể. Cơ thể có khả năng điều hoà thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khả năng này ở mỗi người khác nhau, người trưởng thành khỏe mạnh có sức chịu đựng tốt nhất, trái lại người cao tuổi và trẻ em sức chịu đựng kém hơn nhiều và dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm nắng nóng.
2. Dấu hiệu nào nhận biết trẻ bị say nắng?
Triệu chứng thường gặp là nhức đầu, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, mệt, khó thở, có khi vọp bẽ, đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 41°C đến 42°C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt. Khi bị nặng sẽ rơi vào mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.
3. Cần làm gì khi trẻ bị say nắng?
– Đem ngay nạn nhân ra khỏi chỗ nắng, nóng, cho nằm nghỉ ở nơi thoáng mát.
– Nới rộng quần áo hoặc cởi bỏ bớt, quạt cho trẻ
– Dùng khăn tẩm nước mát lạnh, đắp vùng trán, gáy, nách, lau khắp người để làm hạ thân nhiệt. Theo dõi cho đến khi thân nhiệt hạ xuống dưới 38°C.
– Cho uống nhiều nước để bù các chất điện giải, như: nước chín, nước lọc, nước oresol,…
Cần cho trẻ uống nhiều nước để bù đắp lại lượng nước đã mất
4. Tình trạng như thế nào nên đưa trẻ đi bệnh viện?
Khi trẻ lừ đừ, mệt, bứt rứt, da xanh tái,.. hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. Hôn mê co giật là dấu hiệu muộn.
Những việc gì không nên làm khi trẻ bị say nắng ?
Không cạo gió.
Không xức dầu nóng.
Không quấn kín trẻ.
5. Khi trẻ bị say nắng nên ăn uống như thế nào?
Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước, ăn thêm rau quả tươi;
Cách đề phòng trẻ không bị say nắng trong mùa hè nắng nóng?
Vui chơi hay tập luyện trong môi trường thoáng mát.
Khi cần phải cho trẻ tập luyện ngoài trời nắng thì trước đó vài ngày nên có thời gian cho trẻ ra nắng để cơ thể trẻ quen dần với tác động của nắng nóng.
Cho trẻ uống thêm nhiều nước khi trẻ học và luyện tập trong môi trường nóng bức.
Cho trẻ mặc quần áo nhẹ, màu sáng, đội nón rộng vành sẽ giúp trẻ bớt nóng.
Tránh cho trẻ tập luyện quá sức ở ngoài trời nắng. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho trẻ ngừng ngay việc tập luyện và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi.
Nếu trẻ phải thường xuyên tập luyện, học tập ngoài nắng thì nên cho trẻ giải lao sau một khoảng thời gian, cho trẻ vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi và uống nước.
Nguồn: Healthplus.vn
Bài viết liên quan: