Chế độ dinh dưỡng cho bé biếng ăn vì mọc răng qua các giai đoạn
Trong giai đoạn mọc răng trẻ sẽ rất khó chịu bởi những biểu hiện đi kèm như: chảy nước dãi, ho, lợi sưng đau, mệt mỏi,… khiến trẻ không muốn ăn, thậm chí là bỏ bữa. Nếu không có biện pháp khắc phục tức thời, tình trạng trên sẽ dẫn tới biếng ăn kéo dài, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của bé. Bài viết dưới đây đưa ra những gợi ý về chế độ dinh dưỡng cho bé nhằm khắc phục vấn đề từ gốc.
1. Thời kỳ trẻ mọc được 2 răng (4-8 tháng)
Những chiếc răng đầu tiên mọc lên thường mang lại cảm giác đau đớn và khó chịu nhất. Trước khi răng nhú lên, nướu có thể bị sưng, viêm tấy đỏ, có khi bị loét. Nướu sưng đỏ làm trẻ luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại chỗ răng nhú lên, trẻ thường cho ngón tay, đồ chơi hay bất kỳ vật gì có trong tay vào miệng để cắn, những triệu chứng này thường xảy ra trước khi răng nhú lên 3-5 ngày. Ngoài ra, để răng mọc được, nướu phải nứt ra gây đau đớn cho trẻ. Thể trạng mệt mỏi cùng những cơn đau nhức do mọc răng là nguyên nhân chính khiến trẻ biếng ăn trong giai đoạn này.
2. Thời kỳ trẻ mọc được 4 răng (8-10 tháng)
Trong thời kỳ này, hàm trên của trẻ sẽ có thể mọc thêm hai răng hoặc nhiều hơn, trẻ hay khóc, ít ngủ, dễ kích động khi mọc răng, bứt rứt khó chịu và hay làm nũng cha mẹ. Một số trẻ chảy nhiều nước miếng và có xu hướng muốn gặm, cắn vì tức lợi cũng là những biểu hiện thường thấy. Một số trẻ còn sốt nhẹ đôi khi kèm theo đi ngoài phân lỏng. Đặc biệt, nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể bé ở giai đoạn này cao hơn hẳn so với giai đoạn trước. Chính vì vậy, trẻ chán ăn trong giai đoạn này sẽ gây nên nhiều khó khăn và lo lắng cho mẹ.
Tuy nhiên, có nhiều cách mẹ có thể giúp bé hứng thú hơn với việc ăn uống như: chia bữa ăn hàng ngày thành nhiều bữa nhỏ, cho bé ăn các loại thức ăn nghiền như đậu hũ, khoai tây, bí đỏ, cà rốt nghiền… và các loại thịt băm nhỏ. Các mẹ thường quan niệm trẻ vừa ăn vừa uống sẽ dễ nuốt, song trên thực tế, việc này khiến bé dễ no nhanh và gây ra cảm giác chán ăn. Sau bữa ăn, thức uống mát là “cứu cánh” xoa dịu những cơn đau mọc răng, giúp trẻ bớt quấy khóc. Mẹ có thể cho bé uống nước ép trái cây pha với nước.
Các mẹ đang cho con bú có thể cho bé bú thường xuyên hơn khi bé mọc răng để bé bình tâm và bớt quấy khóc hơn khi bị đau. Sữa bò lạnh cũng có tác dụng tương tự.
3. Thời kỳ trẻ đã mọc 6 đến 8 răng (11-13 tháng)
Trong khoảng thời gian từ 11 đến 13 tháng, các răng của hàm trên sẽ mọc nhanh chóng, các răng ở hàm dưới thông thường sẽ mọc ở giai đoạn trẻ được từ 10 đến 16 tháng. Lúc này, mức độ các cơn đau mọc răng và ngứa lợi cũng giảm dần. Đồng thời, các biểu hiện trẻ biếng ăn vì mọc răng cũng không còn nghiêm trọng như các thời kỳ trước. Mẹ chỉ cần điều chỉnh linh hoạt chế độ ăn uống nhằm kích thích bé ăn ngon miệng.
Răng của trẻ lúc này đã thích ứng với những loại thực phẩm rắn hơn, chức năng tiêu hóa cũng dần trở nên hoàn chỉnh. Vì vậy mẹ có thể luộc hoặc hấp rau đến khi chúng chín mềm rồi cho bé cầm các miếng rau để ăn. Theo cách này, bé vừa hấp thu được chất xơ và các vitamin cần thiết vừa giúp bé tập nhai và hứng thú hơn với việc ăn uống. Khi lợi của bé tức và ngứa, một vài miếng chuối xắt lát để lạnh sẽ giúp bé dễ chịu tức thì.
4. Thời kỳ trẻ đã mọc từ 8 đến 12 răng
Trong giai đoạn này, các triệu chứng khó chịu từ việc mọc răng chỉ còn gây ra rào cản tâm lý chán ăn nhẹ cho trẻ. Mẹ hãy tận dụng “lợi thế” trẻ rất hào hứng với việc ăn bằng thìa để “đối phó” với tình trạng biếng ăn. Mẹ cho bé lựa chọn bộ thìa, dĩa, bát cho mỗi bữa ăn và cố gắng trình bày các món ăn trông thật màu sắc và hấp dẫn. “Nhất cử lưỡng tiện” nhất cho mẹ chính là các món salad rau củ. Mẹ có thể trộn cà rốt, ớt ngọt, giá đỗ, khoai tây, dưa chuột với hỗn hợp dầu dấm- ô liu…
5. Trẻ đã mọc từ 12 đến 20 răng
Trong giai đoạn từ 16 đến 20 tháng, về cơ bản, răng của trẻ đã dần hoàn thiện và ổn định. Tuy vậy, những lần mọc răng vẫn có thể gây ra sự khó chịu cho bé. Mẹ có thể giảm khẩu phần ăn của bé đi một chút trong thời gian bé mọc răng. Một bát cơm đầy có ngọn không kích thích sự thèm ăn của bé, trái lại, sẽ khiến trẻ sợ và ngán. Mẹ cũng cần quan tâm đến tính đa dạng của các món ăn. Nếu một món ăn được lặp lại thường xuyên, bé sẽ cảm thấy ngán, không muốn ăn. Mẹ cũng có thể áp dụng chiến thuật “bình mới rượu cũ”. Đơn cử, thay vì cho bé ăn thịt với cơm, mẹ hãy kẹp thịt vào bánh mỳ. Hoặc mẹ có thể cho canh vào cốc như một thứ đồ uống thay vì để ở bát như thường lệ, v.v…
Để khắc phục tình trạng nói trên, trong giai đoạn 4-5 tháng, nếu sữa mẹ đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, mẹ chỉ cần cho bé bú sữa mẹ là đủ. Trong trường hợp bé bỏ bú, mẹ có thể cho bé uống thêm sữa công thức bằng muỗng, bình sữa, ca tập uống, thay vì để bé bú qua núm giả… Với những trẻ ăn dặm, mẹ còn có thể trộn cháo xay nhuyễn với sữa và nước hoa quả để kích thích bé ăn và đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn của bé.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng các thực phẩm như khoai tây nghiền, lòng đỏ trứng hay cháo ngũ cốc là những loại thức ăn rất thích hợp cho bé biếng ăn vì mọc răng trong giai đoạn này.
Nguồn: Tổng hợp
Bài viết liên quan: