10 loại nước uống mùa hè đánh bay rôm sảy cho bé
Mùa hè khiến nhiều bé mọc rôm sảy, nóng trong, mệt mỏi và rất dễ bị ôm. Vì vậy, ngoài việc cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng thì mẹ cần chuẩn bị cho bé những thức uống mát và bổ giúp bé giải nhiệt và đánh bay rôm sảy.
1. Sâm bí đao
Bí đao có tác dụng giải độc, lợi tiểu, trị ung nhọt, táo bón. Mùa hè, mẹ nên nấu sâm bí đao cho con uống để hạn chế các bệnh phát sinh do nóng trong.
Đi chợ: 1 kg bí đao, 10 g thục địa thái nhuyễn, 2-3 lá dứa, 150 g đường phèn, ít muối.
Cách làm: Mẹ để nguyên trái bí đao cả vỏ, cho vào nồi nước nấu cùng với các nguyên liệu đã mua về. Cứ nấu nồi nước như vậy trên lửa nhỏ cho đến khi thấy trái bí chín rục. Sau đó tắt bếp, mở nắp và đợi nguội.
Cuối cùng, mẹ lọc lấy nước trong, cho vào các chai thủy tinh sạch và cất trong tủ lạnh để bé uống hết trong ngày. Nếu chưa uống kịp, mẹ nên cho vào túi nilon, cấp đông và khi uống chỉ cần rã đông trước khoảng 1 tiếng.
Lưu ý, với bé có cơ địa hàn mẹ nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ vì bí đao vốn tính hàn đấy nhé!
2. Nha đam đường phèn
Nha đam nấu chung với đường phèn là loại nước uống thanh nhiệt rất có lợi cho các bé bị béo phì, nóng trong và mất nước do nắng nóng.
Đi chợ: 2 – 3 nhánh nha đam và 30g đường phèn.
Cách làm: Mua nha đam về, gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài, cắt hạt lựu lớn và chà qua với muối cho bớt nhớt và giảm vị đắng. Sau đó rửa sạch, cho vào nồi nước đường phèn đã nấu tan và nấu sôi trở lại là được.
Nha đam đường phèn có thể uống vào ban ngày và nên uống trước bữa ăn khoảng 30 phút.
3. Nước gạo lứt
Nấu nước gạo lứt cho con uống, mẹ không những giúp bé giải nhiệt, mát trong mà còn bổ sung thêm nhiều vitamin bổ dưỡng cho bé để tăng cường sức đề kháng.
Đi chợ: 100g gạo lứt + 30g đường phèn
Cách làm: Vo gạo sơ qua, phơi khô, sau đó rang vàng. Nấu khoảng 2 lít nước với đường phèn. Khi đường tan hoàn toàn, cho gạo đã rang vào nấu đến khi hạt gạo nở mềm.
Khi uống, chắt nước trong cho bé uống. Phần cái có thể dầm đường, thêm đá cho bé ăn.
4. Trà khổ qua
Khổ qua có tính thanh nhiệt, lợi tiểu và giải độc rất tốt. Mùa hè, bé nên uống thêm nước khổ qua để trị rôm sẩy, mẩn ngứa và những phát ban khó chịu có thể gặp trong mùa hè.
Đi chợ: 6 trái khổ qua nhỏ + 1 trái dừa nhiều nước + Đường phèn.
Cách làm: Cắt khổ qua thành từng miếng nhỏ, bỏ hạt. Sau đó cho vào nồi nước đường phèn nấu mềm. Cuối cùng thêm nước dừa và nấu khoảng 5 phút nữa là xong.
5. Nước đậu đen
Loại nước này tùy mẹ chọn loại đậu thôi nhé! Nhưng đậu thanh nhiệt tốt nhất cho trẻ nhỏ mà em vẫn chọn nấu cho con là đậu xanh, đậu đỏ và đậu đen.
Đi chợ: 300g đậu
Cách làm: Rang đậu vàng và để nguội trước khi cho vào hũ thủy tinh đậy kín nắp. Khi dùng, chỉ cần cho vào bình thủy ủ trong vòng 3 tiếng. Cách khác, mẹ có thể nấu đậu mềm như nấu chè nhưng đừng cho đường ngọt như chè mà chỉ hơi có vị ngọt để bé có thể thêm vài viên đá uống giải khát.
6. Nước bông cúc nhãn nhục
Bông cúc là thần dược giúp bé ngủ ngon và giải nhiệt rất tốt trong những ngày hè nóng.
Đi chợ: 20g bông cúc khô (mua ở tiệm thuốc Bắc) + 200g nhãn nhục + 2 viên đường phèn.
Cách làm: Trước khi nấu nước, ngâm hoa cúc trong nước lạnh khoảng 10 phút cho cánh hoa nở mềm. Sau đó vớt ra và vắt ráo. Với nhãn nhục, mẹ chỉ cần rửa sơ qua cho sạch là được. Sau đó bắc nồi nước nấu với đường phèn cho tan hoàn toàn, rồ i cho nhãn nhục vào nấu khoảng 10 phút. Khi nhãn nở bung, cho tiếp bông cúc vào nấu thêm 5 phút. Đợi nước nguội, múc tất cả vào thố và cất trong tủ lạnh.
Khi ăn, bé sẽ ăn cả nước lẫn cái rất ngon miệng và giải khát cũng thật đã!!!
7. Nước atiso lá nếp
Atiso là một trong những thực phẩm có tính chất giải độc, giải nhiệt hữu hiệu hàng đầu. Do đó, mỗi mùa hè nóng, mẹ nên trữ 1 ít bông atiso trong nhà để nấu nước mát cho con uống nhé!
Đi chợ: 5 bông atiso + 1 bó lá nếp + 2 viên đường phèn.
Cách làm: Sau khi rửa sạch bông atiso, mẹ cắt làm đôi. Phần lá nếp sau khi rửa sạch để được cột gọn lại bằng lá nếp. Khi nấu, trước tiên, đem bông atiso hầm trong 30 phút. Sau đó đậy nắp kín và ủ khoảng 6 tiếng cho bông tiết ra hết chất ngọt. Nếu thấy hầm lâu, mẹ có thể dùng nồi áp suất để nấu. Khi bông đã ra chất ngọt, mẹ đem nấu lại với đường phèn, lá nếp. Có thể cho bé ăn luôn cả bông atiso nếu bé không quá kén sẽ có tác dụng an thần và giải nhiệt cực hiệu quả.
8. Nước sâm mía lau
Loại này mẹ có thể mua sẵn bó lá sâm ở ngoài chợ. Họ sẽ bó cho mẹ đủ các râu bắp, lá dứa, rễ tranh, rong biển, mã đề, bọ mắm… Với loại này, mẹ chỉ cần mua 1 bó về, rửa sạch và nấu nước cho con uống. Vì trong đó đã có cả mía lau, ra nước ngọt nên mẹ không cần phải thêm quá nhiều đường.
9. Nước râu ngô
Râu ngô chính là một loại thuốc hỗn hợp của nhiều vitamin và các vi chất ở dạng tự nhiên cần thiết cho cơ thể chống oxy hóa tốt hơn bất cứ một loại thuốc bổ nào.
Đơn giản mẹ chỉ cần đi chợ mua vài bắp ngô nếp non về luộc lên, nhớ lấy cả dâu ngô cho bé ăn bắp và uống nước ngô sẽ giúp giải nhiệt cho bé rất tốt.
Trong râu ngô có chứa vitamin A, vitamin K, vitamin B1, B2, B6, vitamin C, vitamin PP, dầu béo, tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác.
Theo Y học cổ truyền, râu ngô (bắp) và ruột bấc trong thân cây ngô có vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh thận và bàng quang trị tiểu vàng, tiểu rắt buốt, bí tiểu, viêm tiết niệu, tiểu ra máu, xuất huyết nội tạng, sạn trong gan, mật, thận, sạn niệu, bàng quang, phù thủng, làm hạ áp huyết, làm thông mật trong điều trị gan mật, sỏi mật, vàng da… Đặc biệt, râu ngô là một trong các loại thảo dược dùng để điều trị bệnh gan có hiệu quả nhất.
10. Nước dâu tằm
Quả dâu rất giàu chất dinh dưỡng, ăn mềm, chua ngọt, nhiều nước, có thể ăn tươi, ngâm rượu, làm nước giải khát, làm mứt, làm vị thuốc… đều tốt và được mọi người ưa chuộng.
Ngoài việc là một thứ trái cây dân dã và ngon miệng, quả dâu tằm còn có nhiều tác dụng đối với sức khỏe vì có chứa nhiều caroten, lượng vitamin C khá cao và axit hữu cơ... giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Lưu ý: Không nên cho các bé uống dài ngày hoặc uống thay nước sôi hoặc sữa. Các loại nước lá này chỉ cho bé uống thêm, giúp bé giải khát.
Nguồn: Healthplus
Bài viết liên quan: